Giá axit phốtphoric trên thế giới tăng do thiếu nguồn cung nguyên liệu

Những đứt gãy và rối loạn trong chuỗi cung ứng trên thế giới đã tác động đến ngành sản xuất các sản phẩm phốtphat. Nguồn cung axit phốtphoric trở nên ngày càng eo hẹp và giá ngày càng đắt.

Do tầm quan trọng của axit phốtphoric đối với nhiều ngành sản xuất, tình hình hiện nay rất đáng lo ngại. Trong khi đó, do sự leo thang của các căng thẳng địa chính trị trên thế giới nên khó có thể chờ đợi những bất ổn của tình hình cung ứng sẽ thuyên giảm trong ngắn hạn.

Giá axit phốtphoric đã tăng 3-4 lần từ đầu năm 2021 và hiện ở mức trên 2.200 USD/tấn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá mạnh này. Bên cạnh việc thiếu nguồn cung nguyên liệu và giá quặng phốtphat cũng như phốtpho trắng tăng thì còn một số yếu tố ảnh hưởng đến giá axit phốtphoric là giá lưu huỳnh, giá năng lượng và chi phí vận chuyển.
Tình hình sản xuất quặng phốtphat trên thế giới

Quặng phốtphat hiện đang được khai thác ở các mỏ khác nhau với trữ lượng và chất lượng đa dạng tại châu Á, Bắc Phi, Bắc Mỹ và Trung Đông. Khoảng 80% quặng phốtphat khai thác trên thế giới được chế biến trực tiếp tại chỗ thành axit phốtphoric hoặc sản phẩm phân bón hoàn thiện.

Những nước khai thác quặng và sản xuất sản phẩm phốtphat lớn nhất là Trung Quốc, Marốc, Mỹ, tổng cộng ba nước này chiếm 2/3 sản lượng quặng và sản phẩm phốtphat trên thế giới. Trong khi đó, châu âu nhập khẩu phốtpho trắng từ Cadăcxtan, Việt Nam và Trung Quốc để sản xuất axit phốtphoric nhiệt.

Tuy chỉ chiếm 5% tổng trữ lượng toàn cầu (3,2 tỉ tấn), Trung Quốc là quốc gia sản xuất quặng phốtphat và sản phẩm phốtphat lớn nhất với sản lượng năm 2020 đạt 90 triệu tấn. Tuy nhiên, so với các năm trước sản lượng của Trung Quốc đã thấp hơn nhiều (năm 2017 đã đạt 120 triệu tấn) vì ngành khai thác và chế biến quặng tại đây đang gặp nhiều thách thức về lệ phí môi trường, chi phí sản xuất cao, các đợt đóng cửa do ô nhiễm nước và các vấn đề môi trường khác.

Phần lớn trữ lượng quặng phốtphat trên thế giới nằm ở Marốc, quốc gia này chiếm hơn 70% tổng trữ lượng toàn cầu (50 tỉ tấn) và là nước sản xuất các sản phẩm phốtphat lớn thứ hai thế giới với 37 triệu tấn năm 2020, chủ yếu ở mỏ Bou Craa tại Tây Sahara.
Mỹ là quốc gia sản xuất các sản phẩm phốtphat lớn thứ ba thế giới với 24 triệu tấn (năm 2020) tuy trữ lượng quặng phốtphat của Mỹ chỉ chiếm 2% tổng trữ lượng toàn cầu.

Hầu hết các nước trong Liên minh Châu âu đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm phốtphat.

Giá quặng phốtphat đã liên tục tăng từ mùa thu 2020 và đầu năm 2022 giữ ở mức 166 USD/tấn, tăng 134% so với đầu năm 2020.
Nguồn cung các nguyên liệu khác

Các nhà sản xuất axit phốtphoric quy mô lớn hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua phốtpho trắng từ Trung Á khi các nhà sản xuất phốtpho trắng không thể cung cấp đủ số lượng yêu cầu. Trong khi đó, việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế khác là ít khả thi vào thời điểm hiện tại.

Sản xuất axit phốtphoric theo phương pháp ướt đòi hỏi những lượng lớn axit sunphuric. Tuy tình trạng thiếu axit sunphuric trên thế giới đã giảm nhẹ từ cuối năm 2021, nhưng giá vẫn ở mức cao do sản lượng thấp của các nhà máy lọc dầu – nguồn cung lưu huỳnh lớn trên thị trường. Nhiều nhà máy sản xuất axit phốtphoric đã phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu lưu huỳnh khai thác từ mỏ với giá cao hơn.

Dự kiến, từ quý II/2022 tình hình sẽ trở nên xấu hơn do một số nhà máy lọc dầu sẽ tạm dừng vận hành để thực hiện công việc bảo dưỡng. Các nhà máy này sẽ phải đóng cửa trong 3-6 tuần, do đó sẽ gây thêm áp lực lên nguồn cung lưu huỳnh trên thị trường.

Bài viết liên quan
preloader